(Chinhphu.vn) - Năm 2025 mở ra nhiều cơ hội cho Thủ đô Hà Nội phát triển khi Luật Thủ đô với nhiều chính sách, quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển mạnh mẽ và đột phá thời gian tới.
Nhiều chính sách, cơ sở pháp lý quan trọng triển khai Luật Thủ đô
Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025).
Xây dựng nền hành chính quốc gia nói chung, chính quyền Thủ đô nói riêng dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo, phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong việc thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.
Luật Thủ đô ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của 3 Nghị quyết (Nghị quyết 15, Nghị quyết 06 và Nghị quyết 30 năm 2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo các chuyên gia, để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, Hà Nội cần xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; vừa đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.
Luật Thủ đô năm 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là "đô thị loại đặc biệt" là "trung tâm chính trị - hành chính quốc gia" và là "trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước". Một trong những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô là quy định các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô.
Vì vậy, nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp thành phố đối với các cơ chế đặc thù dành cho thủ đô phù hợp với từng cấp chính quyền thủ đô là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện Luật Thủ đô năm 2024. Theo đó, cần phải: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền giữa cấp chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố giữa chính quyền quận, thị xã thành phố thuộc thành phố với chính quyền phường, xã trong việc tổ chức và thực hiện các chính sách, đặc thù theo đúng quy định về phân cấp, ủy quyền của ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân.
Triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với những cơ chế vượt trội để phát triển Thủ đô, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô. Trong đó, Hà Nội đã xác định tổng số văn bản cần ban hành là 114 văn bản (gồm 94 văn bản quy phạm pháp luật, 20 văn bản cá biệt).
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết, năm 2024, trong tổng số 96 văn bản triển khai thi hành Luật phải xây dựng, các đơn vị đã trình được nhiều Nghị quyết và được HĐND TP. Hà Nội thông qua nhằm thể chế hóa Luật Thủ đô.
Trong đó, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP. Hà Nội vào tháng 12/2024, HĐND đã thông qua 6 nghị quyết để triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 gồm: Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; quy định thực hiện vùng phát thải thấp; mức tiền phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; các quy định về hoạt động của Khu công nghệ cao Hoà Lạc…
Đây là những cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý quan trọng, tác động sâu rộng, kịp thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc.
Xem chi tiết tại đây: